Bảo tàng Đắc Lắc – công trình kiến trúc phản ánh rất tốt vấn đề kiến trúc bản địa, tìm tòi thể hiện bản sắc đậm nét với ngôn ngữ hiện đại

Lý thuyết về thích ứng

“Để thích ứng” xuất phát từ “apere” trong tiếng Latinh (để ràng buộc, đính kèm), quá khứ có dạng “aptus (apte)”, khi được thêm vào “ad” chỉ sự (tới, hướng tới) đã tạo ra động từ thích ứng (để điều chỉnh thành).

Thích ứng là quá trình thay đổi cho phù hợp với nhiều điều kiện khác nhau, chủ động thay đổi linh hoạt để đối phó với điều kiện tồn tại mới. Thích ứng là một quá trình điều chỉnh, phản ứng tích cực của cá thể trong môi trường và là điều kiện quan trọng để tồn tại, phát triển và thúc đẩy quá trình tiến hóa. Thích ứng diễn ra cả trong tự nhiên và hệ thống xã hội. Một cách đơn giản, có thể hiểu rằng thích ứng là một quá trình, có ý nghĩa chủ động và linh hoạt, có thể chủ động trước khi sự việc diễn ra để linh hoạt phù hợp với điều kiện tồn tại mới.

Như vậy, có thể nói, sự thích ứng chính là mối quan hệ giữa những điều chúng ta đang thực hiện và hoàn cảnh thực hiện. Những hoạt động xây dựng được thực hiện không đúng đắn thì không thể hài hòa được với hiện trạng cấu trúc và cũng không thể thay đổi được hiện trạng. Trong trường hợp này, sự thích ứng có thể được hiểu “trước” hoặc “sau”. “Môi trường tự nhiên cho chúng ta nhiều khả năng để lựa chọn và con người quyết định chọn cho mình cái phù hợp với nền tảng văn hóa của họ” (A.Rappaport, “House Form and Culture”, 1969). Trong một số trường hợp đặc biệt, khi môi trường tự nhiên tại địa phương và truyền thống văn hóa của cộng đồng không hoàn toàn đồng nhất (như người Kinh di cư lên vùng núi Sa Pa) thì thời gian sẽ hình thành nên những dấu ấn mới trong cộng đồng đó để thích ứng với môi trường “Bản địa” hay hiểu là thích ứng bản địa, biến những dạng quen thuộc từ trước để phù hợp với điều kiện mới.

Thông qua tổng hợp và đánh giá của các nghiên cứu khoa học gần đây về năng lực thích ứng (gọi tắt là AC-Adaptive capacity) là khả năng nhận thức của một hệ thống, khu vực, cộng đồng, hộ gia đình hoặc một cá nhân, đối phó, chuẩn bị và thích ứng với những xáo trộn và các điều kiện sinh thái-xã hội không chắc chắn. Khái niệm này đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển đô thị, là một công cụ nghiên cứu về rủi ro thiên tai, tính dễ bị tổn thương và khả năng phục hồi, điểm đầu vào hữu ích để kiểm tra mức độ thích ứng của đô thị.

Các đô thị thể hiện những đặc điểm cụ thể qua hình dạng do những tác động xấu của biến đổi khí hậu đối với chúng. Những đặc điểm cụ thể này bao gồm mật độ dân số, cơ sở hạ tầng, lõi đô thị vùng, trung tâm với vai trò của các thành phố trong việc phát triển các đô thị, nơi những thách thức về kinh tế, xã hội và thể chế làm trầm trọng thêm tính nhạy cảm của địa phương và giảm khả năng thích ứng của người dân thành thị.

Lý thuyết về bản địa

Tính bản địa là tính chất (vốn có ở) địa phương. Như vậy, tính bản địa là đặc điểm/tính chất phổ biến của một loại sự vật, hiện tượng, phản ánh mối quan hệ phụ thuộc của đối tượng vào môi trường bao chứa nó. Yếu tố bản địa ở đây là những yếu tố đặc trưng của một vùng đất có liên quan tới môi trường địa lý và cảnh quan địa phương được tạo nên bởi cộng đồng dân cư. Những yếu tố này có vai trò nguồn gốc, vốn hiện diện tại chỗ trong một phạm vi địa lý và không gian văn hóa xác định: môi trường sinh thái tự nhiên bao gồm các điều kiện tự nhiên (như khí hậu, địa hình, cảnh quan…) của một địa phương và ngữ cảnh văn hóa – xã hội của cộng đồng dân cư sinh sống tại địa phương; môi trường sinh thái nhân văn (do con người tạo ra). Theo thời gian môi trường sinh thái nhân văn được tích lũy ngày càng nhiều, có vai trò ngày càng quan trọng với chính con người, cộng đồng, đan xen vào nhau như văn hóa, xã hội, kinh tế, kỹ thuật, pháp lý, thông tin… “Tính bản địa không chỉ là một hệ tư tưởng, mà là thứ phải được sống, thể hiện, cảm nhận và hiện thực hóa”. Trong quá khứ, khi các cộng đồng phát triển tự nhiên và phân vùng rõ ràng, lúc đó những khu vực có điều kiện tương tự nhau thì văn hóa là yếu tố quyết định sự lựa chọn của con người (A.Rappaport). Từ góc độ văn hóa: Tâm thức định hướng văn hóa ứng xử, văn hóa tổ chức, văn hóa sinh hoạt. Nhưng đến nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa thì vấn đề này đang có chiều hướng thay đổi.

Mô hình nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu và có khả năng chống ngập tại Amsterdam, Hà Lan. (Nguồn: kinhtemoitruong.vn)

Kiến trúc thích ứng bản địa

Các yếu tố tác động tới sự thích ứng rất đa dạng như văn hóa, xã hội, các tổ chức và các mối tương tác xã hội. Kiến trúc thích ứng với phong cách sống, với xu hướng phát triển và công nghệ tiên tiến để góp phần tạo lập một môi trường sống bền vững. Sự thích ứng là mối quan hệ giữa hành động của con người và phản ứng của môi trường bao gồm cả việc gìn giữ môi trường ra sao để hấp thu được kết quả của hành động ấy.

1. Thích ứng với điều kiện tự nhiên

Thời tiết và khí hậu: Kiến trúc là mối liên hệ tổng hòa giữa con người và thế giới quan thể hiện ở hai góc nhìn vật thể (giữa con người với “thiên nhiên”) và phi vật thể (thể hiện các hệ tư tưởng hay các hình thái siêu hình). Khí hậu là một yếu tố quan trọng định hình nên các mô hình kiến trúc ở mỗi khu vực địa lý. Kiến trúc bản địa cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng con người có thể sống hòa thuận với thiên nhiên, khẳng định sự cần thiết phải bảo tồn các giá trị của nó cho các thế hệ mai sau.

Các yếu tố nhận thức và xã hội, sản xuất lương thực và cả sự phát triển của văn hóa, ngôn ngữ đều bị ảnh hưởng của sự biến động của khí hậu, điều kiện khí hậu ôn hòa đã giúp mở rộng các khu vực hoặc tài nguyên từ đó tạo ra sự phát triển của cấu trúc xã hội. Tuy nhiên, sự thay đổi của khí hậu do con người gây ra trên quy mô hành tinh là chưa từng có, tính đặc biệt của hiện tượng này nằm ở tốc độ biến đổi. Biến đổi khí hậu đang đi đầu trong giới hạn trải nghiệm của nhân loại. Do vậy, cần học hỏi từ các cách thích ứng trong quá khứ và hiện tại, để hiểu các quy trình và nắm bắt các cơ chế tác nhân của sự thay đổi (nhà nước, kinh tế và xã hội-cộng đồng).

Địa hình, địa chất: Kiến trúc đô thị phụ thuộc vào địa hình, địa thế và cảnh quan tự nhiên. Địa hình là yếu tố tự nhiên có ảnh hưởng đáng kể đến công tác quy hoạch đô thị và góp phần hình thành nên những đặc điểm riêng trong diện mạo của mỗi đô thị. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong việc khai thác tài nguyên, làm biến đổi thiên nhiên, dẫn đến sự xuất hiện của một ngành nghiên cứu đa lĩnh vực về mối quan hệ của con người với thiên nhiên. Những năm 1920, xã hội học đô thị được thành lập để nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và môi trường đô thị. Khái niệm thích ứng với địa lý để xác định kết quả của sự lựa chọn có chủ ý, đối tượng của địa lý là sự điều chỉnh của con người đối với môi trường và không chịu ảnh hưởng của môi trường này.

Hệ sinh thái – Môi cảnh: Nếu yếu tố địa lý và cảnh quan địa phương giúp xây dựng hình dạng của công trình kiến trúc và không gian đô thị thì các yếu tố sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn tạo nên phần hồn của kiến trúc đô thị. “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên”. Mọi sự biến đổi về môi trường tự nhiên cũng như môi trường xã hội sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng sống của con người.

Môi cảnh kiến trúc chính là sự kết hợp giữa 2 yếu tố môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Theo Schulz: Nhiệm vụ chủ yếu và nội dung cơ bản của môi trường nhân tạo là cụ thể hóa các hiện tượng tự nhiên và xây dựng một quan hệ tích cực có ý nghĩa với nó. Ba loại phương thức cơ bản để môi trường nhân tạo liên hệ với môi trường tự nhiên là hiển thị (Visualization), bổ sung (Complementation) và tượng trưng (Symbolization). Chất lượng của môi cảnh kiến trúc sẽ được tạo ra bởi sự liên hệ và tương tác giữa các yếu tố trên. Nhiệm vụ cơ bản của sáng tác môi cảnh kiến trúc là xây dựng, duy trì và phát triển các môi trường tự nhiên và nhân tạo một cách tích cực. Chính vì vậy môi cảnh kiến trúc mang thuộc tính là có trật tự, tính thông tin và bao hàm một nội dung nhất định.

2. Thích ứng với điều kiện văn hóa – xã hội bản địa

Văn hóa: Trong nhân học Bắc Mỹ, khái niệm về sự thích ứng hình thành vào cuối những năm 1950. Đây là khoảng thời gian mà Steward đã xây dựng lý thuyết tiến hóa đa tuyến tính của mình trong đó các nền văn hóa phát triển theo một cách riêng biệt tùy theo môi trường, tồn tại cùng môi trường và có phản ứng khi đối mặt với những thách thức của môi trường. Phương pháp luận phát triển bao hàm hệ sinh thái văn hóa, đánh giá sự thích ứng văn hóa của con người, vượt qua các rào cản do môi trường đặt ra. Đây là một loại hình văn hóa và thích ứng sinh học chịu trách nhiệm cho sự phát triển của văn hóa con người, cùng phát triển với bộ não con người. Một trong những chìa khóa dẫn đến quá trình thích ứng là sự biến đổi sinh học hoặc hành vi, do đó liên quan đến khái niệm lựa chọn và các quá trình quyết định.Chính vì vậy, khi thiết kế, xây dựng quy hoạch đô thị hay công trình kiến trúc đơn lẻ cần hiểu rõ văn hóa và quan niệm về vùng, miền từ đó lựa chọn giải pháp thiết kế không gian kiến trúc phù hợp với lối sống và bối cảnh kinh tế xã hội hiện đại.

Tôn giáo tín ngưỡng: Tín ngưỡng tôn giáo là một hình thức văn hóa đặc thù, là niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên vô hình. Niềm tin này được biểu hiện một cách đa dạng, tùy thuộc vào thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh địa lý, văn hóa, được vận hành bằng những nghi lễ, hành vi khác nhau của từng cộng đồng xã hội. Tôn giáo hình thành nên văn hóa, là yếu tố xúc tác sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, giúp phát triển nền kinh tế bền vững.

Tộc người và các thiết chế xã hội: Khi hình thành các đô thị, dân số đến từ các vùng nông thôn tăng nhanh đã làm biến đổi các giá trị văn hóa của đô thị. Hệ giá trị của văn hóa Việt truyền thống cũng phải chịu sự chuyển đổi mạnh mẽ từ không gian nông thôn thành không gian đô thị, đồng thời tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa đã làm cho sự phân bố ngành nghề trở nên đa dạng, giá trị vật chất lên ngôi, lấn át nhu cầu văn hóa. Vì vậy mà quan niệm về gia tộc hay các thể chế dần có những thay đổi. Hơn nữa, do kinh tế phát triển không đồng đều nên trình độ phát triển xã hội có sự chênh lệch nhau. Các tộc người có trình độ phát triển kinh tế – xã hội cao hơn đã áp đặt thiết chế xã hội của mình lên các tộc người phụ thuộc, tuy nhiên vẫn bảo tồn những thiết chế xã hội của mình ở mức độ nhất định. Các tộc người sống xen kẽ với nhau cũng ảnh hưởng lẫn nhau về thiết chế xã hội. Tất cả những yếu tố tích cực trong thiết chế xã hội cần được khai thác và phát huy để tạo nên bản sắc, linh hồn của địa điểm. Đây là một trong những điểm mấu chốt làm thay đổi quan niệm về nếp nhà của văn hóa và xã hội Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tới những quan niệm về thiết kế đô thị cũng như thiết kế công trình, tới cách bố trí công năng của công trình đó. Các công trình truyền thống sẽ được thay thế để phù hợp với những nhu cầu văn hóa và thể chế mới, từ đó làm mất đi dần tính bản địa.

Quy hoạch khu nghỉ dưỡng Sapa của người Pháp dựa trên yếu tố văn hóa bản địa.
(Nguồn: Phòng văn hóa Sapa)

3.Thích ứng với kinh tế – kỹ thuật bản địa

Yếu tố kinh tế, kỹ thuật công nghệ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đô thị, trong đó yếu tố kinh tế là yếu tố tạo thị đối với sự hình thành cấu trúc của không gian. Hình thái đô thị là bức tranh phản ánh hình thái kinh tế-xã hội của đô thị. Sự thay đổi của hình thái kinh tế – xã hội sẽ dẫn tới các thay đổi về hình thái cấu trúc không gian đô thị. Tác động kinh tế trong cộng đồng miền núi phần lớn tới từ dịch vụ du lịch, do đó nhiều nơi vẫn ưu tiên chọn du lịch làm phương pháp tiếp cận phát triển thay vì các lựa chọn công nghiệp khác, đặc biệt là đối với phát triển khu vực nông thôn. Từ đó các loại hình kiến trúc cũng được phát triển cho phù hợp với loại hình kinh doanh chính.

Kỹ thuật bản địa chính là những thông tin mà cộng đồng dựa trên kinh nghiệm và sự thích ứng với văn hóa và môi trường địa phương, đã phát triển theo thời gian và tiếp tục phát triển. Những kỹ thuật này được sử dụng để xây dựng cộng đồng và văn hóa của cộng đồng, duy trì nguồn gen cần thiết cho sự tồn tại tiếp tục của cộng đồng. Kỹ thuật này là những nguồn gen cần thiết cho sự tồn tại và phát triển: Như kỹ thuật xây dựng nhà ở truyền thống, cách lợp mái, lắp hệ kết cấu nhà, kỹ thuật dựng cột…

Đối với một đô thị phát triển thì các yếu tố công nghệ, kỹ thuật viễn thông cũng góp phần làm thay đổi các chức năng tổ chức đô thị theo không gian. Chiến lược thiết kế thích ứng sẽ cho phép các đối tượng phản ứng tốt hơn với những thay đổi xung quanh chúng. Chiến lược được đưa ra để quyết định việc sử dụng tự động hóa hay có sự can thiệp của con người. Chúng ta có thể bổ sung điều chỉnh hoặc bổ sung hạ tầng kỹ thuật của các công trình kiến trúc để phù hợp với sự xuất hiện của các tiện nghi công nghệ mới bao gồm cả việc sử dụng năng lượng thông minh và vật liệu xanh góp phần giảm thiểu và tiết kiệm năng lượng từ quá trình xây dựng, vận hành đến sử dụng lâu dài.

Kết luận

Quy hoạch và kiến trúc đô thị chịu ảnh hưởng của cả những tác động mang tính tiêu cực và tích cực từ các yếu tố bản địa. Mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố bản địa như văn hóa, xã hội, kinh tế, môi trường… tới QH và KT của đô thị sẽ cho thấy được mức độ thích ứng của đô thị đó với các yếu tố bản địa.

Để Quy hoạch và Kiến trúc thích ứng được với các yếu tố bản địa chính là việc con người cần giảm thiểu các tác động của hoạt động Quy hoạch và Kiến trúc tới yếu tố bản địa, hay các tác động của các hoạt động Quy hoạch và Kiến trúc phải là nhỏ nhất và kiểm soát được, từ đó mới đảm bảo sự phát triển có bản sắc và phát triển bền vững:

TS.KTS Nguyễn Việt Huy
GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông
ths.kts Vũ Thị Hương Lan
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2023)

Bài viết liên quan

THIẾT KẾ VĂN PHÒNG ĐẢM BẢO GIÚP UNILEVER VƯỢT QUA COVID-19

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tạo ra những thách thức chưa từng có đến nền kinh tế toàn cầu cũng như cho Việt Nam

BENUAR BY THE TOY MOSCOW – NGHỆ THUẬN CỔ ĐIỂN VỚI CÁC YẾU TỐ POP ART

(Văn bản mô tả do KTS cung cấp) – Nhà hàng mới của Alexander Vorobyov đã khai trương tại VLADIVOSTOK Grand Hotel & SPA trên Kè Korabelnaya của Vladivostok. BENUAR được hình thành như một phần mở rộng của dự án The Toy Moscow. Không gian ăn uống sang trọng ban ngày đang biến thành nhà hàng với chương trình biểu diễn vào ban đêm.

KẾT QUẢ GIẢI THƯỞNG KIẾN TRÚC QUỐC GIA 2022 - 2023

Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã công bố Kết quả Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ 15 (2022 – 2023), với 5 giải Vàng, 18 giải Bạc, 34 giải Đồng và 1 giải thưởng cho tác phẩm được cộng đồng yêu thích và bình chọn nhiều nhất.

THIẾT KẾ NỘI THẤT SẼ KHÁC BIỆT TRONG NĂM 2023

Năm mới bắt đầu, tạp chí kiến trúc Dezeen đã phỏng vấn 12 nhà thiết kế nội thất và kiến ​​trúc sư để xem những dự đoán của họ về xu hướng thiết kế nội thất sẽ thống trị vào năm 2023.

VẬT LIỆU BÍ MẬT ĐỂ XÂY NHÀ THỜ ĐỨC BÀ THỜI TRUNG CỔ

Nhà thờ Đức Bà Paris là nhà thờ đầu tiên theo kiến trúc Gothic sử dụng nhiều sắt để liên kết các khối đá trong quá trình xây dựng ban đầu.

VĂN PHONG XANH ĐANG LÀ XU HƯỚNG THIẾT KẾ VĂN PHÒNG HIỆN ĐẠI

Văn phòng xanh ngày nay đang là xu hướng mới trong thiết kế văn phòng để mang tới một không gian làm việc thư thái, thoải mái và tràn đầy năng lượng cho các nhân viên. Vậy văn phòng xanh là gì ? Tiêu chí thiết kế như thế nào ? Hãy tìm hiểu nhé !

THIẾT KẾ VĂN PHÒNG THEO MÔ HÌNH AGILE WORKING CỦA UNILEVER

Unilever là công ty đa quốc gia hàng đầu trên thế giới. Tới nay, Unilever đã có mặt tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ

PHONG CÁCH THIẾT KẾ NỘI THẤT Y2K - XU HƯỚNG MỚI CỦA GIỚI TRẺ

Nhiều người bài trí không gian với cảm hứng từ thập niên 2000. Phong cách nội thất này có thể tạo ra vitamin hạnh phúc cho gia chủ, theo chuyên gia.

NET-ZERO - GIẢM LƯỢNG KHÍ THẢI CARBON DO NGÀNH XÂY DỰNG, THI CÔNG & SẢN XUẤT TẠO RA

Ngày nay các kiến trúc sư và nhà thiết kế hướng tới những vật liệu và giải pháp mới, kiến trúc bền vững góp phần giảm lượng khí thải carbon do ngành công nghiệp xây dựng tạo ra.